Contents
Ngày nay, các phương pháp in ấn kỹ thuật số được sử dụng phổ biến trong mọi ngành nghề và lĩnh vực. 1 trong 3 phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất chính là công nghệ in chuyển nhiệt. Với nhiều đặc tính ưu việt, in chuyển nhiệt đã trở thành cánh tay đắc lực cho con người trong việc tạo ra các sản phẩm in chất lượng cao. Tuy nhiên, kỹ thuật in này vẫn còn mới mẻ đối với nhiều người. Với bài viết hôm nay, hãy cùng Xưởng sản xuất balo quà tặng khám phá “tất tần tật” về công nghệ in phổ biến này nhé!
In chuyển nhiệt là gì?
In chuyển nhiệt (Thermal Transfer Printing) là một trong những phương pháp in ấn kỹ thuật số được sử dụng rộng rãi ngày nay. Công nghệ in chuyển nhiệt vận hành bằng cách chuyển hình in trên giấy qua bề mặt vật liệu cần in bằng máy ép nhiệt. Loại giấy chuyên dụng để in được phủ một lớp keo chuyển nhiệt để hình ảnh cần in có thể chuyển từ giấy sang bề mặt cần in thông qua sức ép và nhiệt độ của máy.
Một quá trình in chuyển nhiệt trải qua 2 giai đoạn: in hình ảnh lên giấy và ép nhiệt. Sau khi hình ảnh đã được in lên giấy, chúng sẽ được ép nhiệt lên bề mặt vật liệu. Ở một nhiệt độ xác định, ảnh in trên giấy sẽ bám lên bề mặt vật liệu cần in.
In chuyển nhiệt được sử dụng phổ biến hơn in trực tiếp bởi nó thể hiện được nhiều tính năng ưu việt hơn, tạo ra thành phẩm chất lượng, màu sắc đa dạng và bền màu.
Ưu điểm của công nghệ in chuyển nhiệt
Nhờ các đặc tính ưu việt, công nghệ in chuyển nhiệt ngày nay được sử dụng rộng rãi không những trên thị trường in ấn mà còn được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.
Độ bền cao
Hình ảnh được in bằng công nghệ chuyển nhiệt thường bền bỉ theo thời gian, rất in khi bị bay màu và độ bền đẹp như mới. Chất lượng của các sản phẩm in chuyển nhiệt cũng vượt trội hơn hẳn so với các công nghệ in khác.
An toàn với người sử dụng
Hình ảnh in được thấm trực tiếp lên bề mặt vật liệu bằng các loại máy móc chuyên dụng, hạn chế tối đa tình trạng loang màu, vung vẩy mực hay ra màu nên rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Khả năng in ấn linh hoạt
Công nghệ in chuyển nhiệt có thể được áp dụng trên rất nhiều vật liệu như: quần áo, ly chén, túi xách, giày dép, bao bì sản phẩm hay thậm chí là gỗ, phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.
In được hình ảnh phức tạp
Phương pháp in chuyển nhiệt có thể áp dụng để in các hình ảnh với họa tiết, hoa văn phức tạp, nhiều chi tiết một cách dễ dàng. Thành phẩm được tạo ra có độ tương thích gần như 100% so với bản gốc.
Chi phí thấp
Các máy móc, trang thiết bị và nguyên vật liệu cần thiết cho quá trình in chuyển nhiệt rất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của cá nhân/ doanh nghiệp. Thế nên, các sản phẩm in chuyển nhiệt cũng được cung cấp trên thị trường với mức giá lý tưởng.
Nhược điểm của công nghệ in chuyển nhiệt
Áp dụng với sản phẩm thông thường
Phương pháp in chuyển nhiệt phù hợp với đa dạng sản phẩm: ly, chén, túi xách, gốm sứ,… Tuy nhiên, công nghệ này chỉ phù hợp với các mô hình nhỏ lẻ, ít áp dụng tự động hóa.
Giới hạn vật liệu in
Một số vật liệu chịu nhiệt kém sẽ không thể áp dụng công nghệ in chuyển nhiệt vì nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Các công nghệ in phổ biến
Công nghệ in chuyển nhiệt lên áo thun sáng màu
Với công nghệ in chuyển nhiệt lên áo thun sáng màu,cần dùng máy in chuyển nhiệt in file hình ảnh lên giấy in chuyển nhiệt. Đặt phôi áo lên mâm dưới máy ép nhiệt đã được điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, đồng thời úp file hình trên giấy in chuyển nhiệt đến vị trí cần in. Ép chặt mâm trên của máy ép nhiệt đến khi đủ thời gian ép máy sẽ phát tín hiệu báo hiệu đã hoàn thành sản phẩm.
Công nghệ in chuyển nhiệt lên áo tối màu
Tương tự như áo thun sáng màu, khi in chuyển nhiệt lên áo tối màu vẫn dùng máy in chuyển nhiệt in file hình đã được thiết kế lên giấy in chuyển nhiệt, dùng decal cắt hình vừa in. Đặt phôi áo lên mâm dưới và ép chặt mâm trên máy ép nhiệt đến khi máy phát tín hiệu.
In chuyển nhiệt lên ly sứ
Để in chuyển nhiệt lên sứ, cần qua các giai đoạn in file hình ảnh đã thiết kế lên giấy in chuyển nhiệt, sau đó cắt giấy in phù hợp với kích thước ly. Sau khi cố định giâý in bằng băng keo thì đặt ly vào khuôn ép và gạt cần xuống đến khi nghe máy báo hiệu.
In chuyển nhiệt lên túi vải
Khi in chuyển nhiệt lên túi vải, bước đầu tiên vẫn là dùng máy in chuyển nhiệt in file hình lên giấy. Tiếp theo, thiết lập giấy in và vải in chuyển nhiệt lên vải với nhiệt độ thích hợp và tiến hành ép. Sau khi hoàn thành, chỉ cần gỡ bỏ giấy in để lấy vải.
In chuyển nhiệt lên nhựa
Tương tự như các kiểu in nhiệt khác, khi in chuyển nhiệt lên nhựa cũng cần in file hình ảnh đã thiết kế lên giấy in chuyển nhiệt bằng máy in chuyển nhiệt. Dùng giấy in chuyển nhiệt úp lên bề mặt cần in và căn chỉnh thời gian máy ép hợp lý. Máy ép sẽ phát tín hiệu báo hiệu sản phẩm đã hoàn thành.
In chuyển nhiệt cần chuẩn bị những gì?
Máy in chuyển nhiệt
Máy in chuyển nhiệt là loại máy in kỹ thuật số chuyên dụng phù hợp với việc in chuyển nhiệt, đa màu và có thể sử dụng mực in chuyển nhiệt. Máy in chuyển nhiệt có sự khác biệt về mực in so với các dòng máy in hiện đại khác.
Mực in chuyển nhiệt
Là dòng mực chuyên dụng trong công nghệ in chuyển nhiệt. Bền màu khi tiếp xúc với nhiệt độ cao nên được sử dụng trong công nghệ in chuyển nhiệt rất phổ biến.
Giấy in chuyển nhiệt
Giấy in chuyển nhiệt hay còn gọi là “giấy thuốc”, cũng là một loại nguyên vật liệu được sử dụng phổ biến trong công nghệ in chuyển nhiệt. Giấy in được phủ lên bề mặt một lớp keo giúp tạm giữ phần nội dung in lên trên giấy và chuyển đến bề mặt cần in khi dùng máy ép nhiệt.
Máy ép nhiệt
Máy ép nhiệt là công cụ được vận hành chủ yếu dưới hai yếu tố lực ép và nhiệt độ, giúp các vật thể kết dính với nhau dưới tác động của nó. Tùy vào công năng, máy ép nhiệt được chia thành nhiều loại khác nhau như máy ép mũ, máy ép áo,…
Phôi in chuyển nhiệt
Phôi in chuyển nhiệt là bề mặt sản phẩm hoặc vật liệu mà ta muốn in chuyển nhiệt lên đó.
Thiết bị bảo hộ
Để tránh những tác động do việc tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với máy ép ở nhiệt độ cao, đồng thời hạn chế những rủi ro trong lao động, nên trang bị cho bản thân những vật dùng như bao tay, kính mát, khẩu trang.
Quy trình in chuyển nhiệt
Bước 1: Thiết kế hình ảnh, logo hoặc họa tiết cần in.
Bước 2: Sử dụng máy in chuyển nhiệt để in file vừa thiết kế.
Bước 3: Dán hình ảnh vừa in vào sản phẩm.
Bước 4: Cài đặt nhiệt độ và thời gian máy ép chuyển nhiệt.
Bước 5: Sử dụng máy ép nhiệt phẳng để chuyển hình từ giấy qua bề mặt sản phẩm.
Bước 6: Kiểm tra và hoàn thiện sản phẩm.
Các lỗi thường gặp khi in chuyển nhiệt
Lỗi bóng đổ 3D
Khi bạn in một vật thể nhưng lại xuất hiện thêm một bóng mờ bên cạnh, đấy chính là lỗi bóng đổ 3D hay còn gọi là bóng mờ. Việc xuất hiện lỗi bóng đổ 3D làm giảm tính thẩm mỹ của sản phẩm, khiến sản phẩm không giống hình mẫu ban đầu.
Nguyên nhân:
- Lỗi bóng đổ 3D thường xuất hiện do 4 nguyên nhân chính:
- File hình ảnh gốc của bạn khi in đã xuất hiện lỗi đổ bóng 3D do máy in gặp rắc rối với việc tè đầu phun hoặc phần cơ máy bị lỗi, khiến kéo giấy không đều.
- Quá trình ép nhiệt xảy ra lỗi khiến giấy in bị xê dịch.
- Lấy thành phẩm đã ép xong không cẩn thận khiến giấy bị xê dịch. Lúc này, mực in vẫn còn đọng lại trên giấy kết hợp với nhiệt độ cao khiến phần mực ấy chuyển lên sản phẩm, tạo bóng mờ.
- Giấy in chuyển nhiệt quá mỏng làm cho phần mực thấm ngược lên mâm nhiệt. Gây ảnh hưởng đến các lần in sau.
Cách khắc phục:
- Kiểm tra file in và máy in cẩn thận. Nếu xuất hiện sai sót có thể lập tức điều chỉnh ngay bằng cách chỉnh lại file và làm sạch máy in.
- Khi ép nhiệt, hãy ép một cách dứt khoát để không bị xê dịch. Đừng quên phải cẩn thận trong quá trình ép.
- Khi gỡ máy để lấy thành phẩm, cần phải cẩn thận để tránh làm văng giấy. Nếu giấy bị văng, hãy nhặt một cách nhanh chóng, không để bề mặt giấy vừa in tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
- Thử phủ một lớp giấy hoặc vải trắng lên trên cùng để khắc phục lỗi bóng đổ 3D. Tuy nhiên, đây là giải pháp chỉ mang hiệu quả một cách tương đối.
Lỗi thâm kim
Lỗi thâm kim là hiện tượng có các chấm đen li ti xuất hiện trên bề mặt vải sau khi được in chuyển nhiệt. Đây là một trong số những lỗi thường hay xuất hiện trong quá trình in chuyển nhiệt. Lỗi thâm kim thường xuất hiện do 4 nguyên nhân sau:
Nguyên nhân:
- Nhiệt độ máy ép quá cao khiến vải biến dạng, phá hủy cấu trúc vải và xuất hiện những đốm nhỏ màu xám đen như thể vải bị cháy.
- Thời gian ép không được điều chỉnh hợp lí cũng làm xuất hiện những vết thâm kim trên bề mặt vải.
- Vải được bảo quản không tốt. Khi bị ẩm ướt hay bám bụi bẩn, vải cũng sẽ nổi những đốm li ti khi được xử lý qua nhiệt độ cao,
- Chất lượng vải không tốt. Vải không đáp ứng được các yêu cầu để in chuyển nhiệt.
Cách khắc phục:
- Lỗi thâm kim là lỗi khó khăn nhất trong việc khắc phục hoàn toàn bởi đa phần lỗi này đều xuất phát từ chất liệu vải chứ không phải do sai xót trong quy trình in chuyển nhiệt. Thế nhưng, vẫn có thể cải thiện bằng những phương pháp sau:
- Điều chỉnh nhiệt độ thấp hơn so với thông thường một vài đơn vị. Ngoài ra, bạn nên gập máy vài lần để nhiệt độ được tỏa đều trước khi in chính thức.
- Xem xét lại môi trường bảo quản vải có tốt hay không.
- Dùng lớp giấy, miếng vải trắng hoặc miếng chống dính phủ lên trên cùng bề mặt.
- Thay đổi chất liệu, thương hiệu hay nhà phân phối vải nếu cần thiết.
Lỗi hình in nhớp
So với các lỗi khác, lỗi hình in nhớp là một lỗi nhỏ mà chúng ta có thể dễ dàng khắc phục.
Đôi khi, file thiết kế có một số nội dung bị lỗi như nhỏ hoặc nhạt mà chúng ta không thể nhận ra cho đến khi chúng được in ra hoặc ép lên sản phẩm. Thế nên có thể khắc phục lỗi này bằng cách xem xét thận trọng hơn:
Nếu file đã nhớp dẫn đến việc hình ảnh khi in ra bị nhớp thì nguyên nhân là do giấy in bảo quản không tốt dẫn đến tình trạng vênh 2 đầu mép. Ngoài ra, có thể do máy in bị hỏng khiến nhớp đầu phun.
Khi thực hiện công đoạn in chuyển nhiệt, 4 cạnh của tờ giấy đã bị vẩy một chút mực nhỏ trong quá trình đầu phun quét qua lại mà rất khó để nhận ra bằng mắt thường. Những vết mực nhỏ ấy lại thể hiện rõ thành những đường sọc kém thẩm mỹ khi được in lên sản phẩm. Chính vì thế, trước khi thực hiện công đoạn ép chuyển nhiệt nên cắt hết 4 cạnh của tờ giấy đi.
Lỗi hình in bị rỗ
Lỗi này thường xuất hiện khi người dùng không phân biệt được mặt trái và phải của giấy in chuyển nhiệt. Giấy in chuyển nhiệt thường có một mặt được phủ bằng giấy bóng và mặt còn lại rỗ hơn. Nếu không phân biệt được hai mặt này, người in rất dễ in nhầm vào mặt trái. Có thể phân biệt được 2 mặt bằng cách nghiêng tờ giấy và soi dưới ánh sáng đèn điện.
Trên đây là toàn bộ kiến thức về công nghệ in chuyển nhiệt mà BALO QUÀ TẶNG muốn gửi đến bạn. Hy vọng với bài viết trên, bạn đã có những hiểu biết nhất định về ứng dụng của công nghệ in chuyển nhiệt, các lỗi thường gặp, giải pháp khắc phục và có những đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.